Theo Cục Thú y, đến ngày 10/5, DTLCP đã xảy ra ở 2.277 xã, thuộc 202 huyện của 29 tỉnh, thành phố, với số lợn buộc phải tiêu hủy là 1.210.556 con.
Đến ngày 13/5, Hậu Giang là tỉnh thứ 30 xuất hiện dịch tả heo Châu Phi. Hậu Giang cũng là tỉnh đầu tiên tại khu vực Tây Nam Bộ phát hiện ổ dịch tả heo Châu Phi. Điều này khiến nguy cơ lan rộng dịch ASF ngày càng cao. Cụ thể, Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hậu Giang ngày 13/5 cho biết trên địa bàn đã xảy ra hai ổ dịch tả lợn châu Phi, ngành chức năng đang tập trung xử lý, phòng chống lây lan. Theo đó, 68 con heo của hai hộ dân ở xã Nhơn Nghĩa A và Vĩnh Tường (huyện Vị Thủy) được phát hiện dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Tất cả heo nhiễm bệnh đã được tiêu hủy. Ngành thú y tỉnh phối hợp với cơ quan chức năng triển khai chống dịch, lập các chốt kiểm soát việc vận chuyển động vật trong bán kính 3 km tại hai ổ dịch. Hiện tại toàn tỉnh có trên 15.000 hộ chăn nuôi heo, chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, với tổng đàn khoảng 160.000 con.
Dịch tả heo Châu Phi có diễn biến lan rộng tại miền Nam
Trước Hậu Giang, dịch tả heo Châu Phi xuất hiện xuất hiện đầu tiên tại miền Nam ở Đồng Nai và Bình Phước. Đến ngày hôm qua 13/5, Bình Phước phát hiện thêm ổ dịch thứ 3. UBND TP.Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước cho biết đã tiêu hủy đàn lợn 50 con của 2 hộ dân tại khu phố Phú Mỹ, P.Tân Phú, TP.Đồng Xoài, sau khi kết quả xét nghiệm cho thấy, lợn chết dương tính với virus dịch tả lợn Châu Phi.
Bên cạnh các địa phương tại miền Nam phát hiện ổ dịch mới thì diễn biến dịch tả heo Châu Phi ở các địa phương khác cũng vô cùng phức tạp. Nhiều địa phương xảy ra tình trạng tái phát dịch có cả các tỉnh đã qua 30 ngày, nhưng nay đã lại tái phát dịch như Hòa Bình, Bắc Kạn. Thời gian qua, đã có 29 xã của 12 tỉnh dịch đã qua 30 ngày, nhưng sau đó đã phát sinh trở lại. Có tình trạng trong 1 xã, có hàng trăm hộ nuôi thì chỉ có một số hộ mắc bệnh, đã tiêu hủy, nhưng lại phát hiện dịch tiếp tục nổ ra ở hộ khác. Vì vậy, tỷ lệ ổ dịch qua 30 ngày bị phát sinh dịch trở lại rất nhiều.
Cần tiêu hủy heo nhiễm dịch tả heo Châu Phi đúng quy trình
Nguyên nhân của dịch tả heo Châu Phi diễn biến phức tạp, khó kiểm soát do nhiều địa phương không tuân thủ chặt chẽ quy trình tiêu hủy heo nhiễm bệnh, mũi khoan từ hoặc do lực lượng kiểm soát cũng như thú y mỏng dẫn đến tình trạng không tiêu hủy mà vứt ra ngoài môi trường hoặc bán tháo heo... Do đó, để kiểm soát dịch tốt hơn cần nâng cao ý thức cũng như kiểm soát chặt chẽ về dịch tả heo Châu Phi.
Tin P. Marketing