Theo mô tả của trại thì có thể nái bị viêm vú, tuy nhiên cũng có thể là triệu chứng của Hội chứng: Viêm tử cung - viêm vú - mất sữa" hay còn gọi là triệu chứng MMA, thường bắt đầu từ tình trạng viêm nhiễm tử cung sau khi nái sinh, do quá trình can thiệp, hỗ trợ nái khi sinh không phù hợp (can thiệp khi heo đẻ khó, sót nhau, vệ sinh tử cung nái sau khi nái sinh...) hoặc có thể bị các bệnh truyền nhiễm khác . Để xử lý tình trạng sốt, bỏ ăn do viêm vú, trại có thể xử lý như sau:
Điều trị: Để giúp giảm tình trạng vú bị sưng, viêm hãy dùng nước đá rửa và chườm ở đầu vú viêm để giảm sưng đau, sau đó dùng tay xoa bóp nhẹ nhàng 2-3 lần/ngày để vú mềm dần, kết hợp chích gluconat canxin 10% với liều 20ml/con kết hợp tiêm oxytocin 10-20 UI/nái/ngày để kích thích cơ vú co bóp, tiết sữa, chích kháng viêm, vitamin C, B. Để điều trị nhiễm trùng có thể chích cho nái kháng sinh như amoxycilin, oxytetracylin, ceftiofur, norfloxacin.. và kháng viêm như ketoprofen hay meloxicam ...trong vòng 2-3 ngày, sau đó bổ sung kháng sinh với liều điều trị vào nước uống hoặc thức ăn cho nái trong vòng 5 ngày để điều trị hoặc phòng ngừa biến chứng viêm tử cung.
Phòng ngừa:
-Heo nái ngay sau khi đẻ xong, tiêm oxytoxin với liều 10-20 UI/con, kết hợp tiêm gluconat canxi 10% với liều 20ml/con để kích thích co bóp tử cung đẩy nhau ra, phòng ngừa sót nhau. Sau khi nhau ra bơm rửa tử cung bằng thuốc sát trùng phù hợp như dung dịch Chloramin 4 phần ngàn hoặc chlorhexidin 2 phần ngàn hoặc dung dịch nước muối sinh lý, ngày rửa 1-2 lần , mỗi lần 2-4 lít nước, rửa liên tục 3-4 ngày. Cần hạn chế hết mức có thể việc can thiệp móc lấy thai. Nếu bắc buộc can thiệp móc lấy thai cần thực hiện các thao tác vệ sinh, sát trùng tay cẩn thận trước khi can thiệp. Khi thụt rửa tử cung cần thực hiện bơm dung dịch rửa một cách nhẹ nhàng , bơm dịch từ ngoài vào trong tử cung không được pha quá nồng độ thuốc sát trùng. Sau khi nái sinh xong, tiêm ngay cho nái kháng sinh nhóm fluoroquinolone, tetracycline hoặc cephalosporin thế hệ thứ ba kết hợp kháng viêm (ketoprofen, meloxicam) cho nái trong vòng 3 ngày để giảm đau và phòng ngừa viêm nhiễm tử cung nái sau khi sinh
Trại cần chú ý quản lý dinh dưỡng cho nái sao cho nái có điểm thể trạng khi mang thai ở mức điểm 3-3.5 trong thang 5 điểm
Đối với heo con, xử lý tùy theo các tình huống dưới đây:
- Có nhiều nái cùng đẻ trong khoảng thời gian không quá 24 giờ nới nái bị viêm nhiễm mất sữa:
Cho heo con bú sữa đầu của heo nái sinh cùng đợt (không quá 24 giờ sinh) sau đó chia heo con sơ sinh ra ghép với các nái khác , nái vú nuôi (nái có khả năng nuôi con tốt, tiết sữa nhiều, đã đến tuổi có thể cai sữa). Chú ý phải ghép khi heo con chưa quá 24 giờ tuổi
Không có nái cùng đẻ trong khoảng thời gian nái bị viêm nhiễm mất sữa, nhưng có nái vú nuôi heo con sơ sinh trong vòng 24 giờ sau sinh:
Ngày đầu tiên, cho heo con bú sữa đầu thương phẩm, mỗi 2 giờ cho heo con bú 20-30ml cho đến khi heo có thể tự di chuyển. Ngoài ra tiêm xoang bụng cho heo con 10ml dung dịch glucose 20% để cấp năng lượng cho heo sưởi ấm. Sau đó chuyển qua nái vú nuôi nuôi tiếp
Không có nái cùng để trong khoảng thời gian nái bị viêm nhiễm mất sữa, và không có nái vú nuôi:
Ngày đầu tiên, cho heo con bú sữa đầu, thương phẩm, mỗi hai giờ cho heo con bú 20-30ml cho tới khi heo có thể tự di chuyển.Ngoài ra tiêm xoang bụng cho heo con 10ml dung dịch glucose 20% để cấp năng lượng cho heo sưởi ấm. Từ ngày thứ hai , cho từng heo con uống sữa thay thế dành riêng cho heo con mất mẹ theo chỉ dẫn của nhà cung cấp sản phẩm . Thông thường cho heo bú khoảng 40-50ml/ lần, tăng dần đến 80-100ml/ lần , mỗi ngày cho uống 4-6 lần. Cần lưu ý đảm bảo ủ ẩm cho heo nếu không heo sẽ mất nhiệt, tiêu chảy. Nhiệt độ chuồng ủ ấm cho heo con trong khoảng 40 độ C ở ngày đầu tiên, giảm dần mỗi ngày 1 độ đến khoảng 30 độ C ở ngày thứ 10. Để phòng ngừa nhiễm trùng do thiếu miễn dịch từ mẹ truyền con cí thể cho heo con uống các chết phẩm kháng thể lòng đỏ trứng , tiêm cho heo 2 liều kháng sinh tác động kéo dài. Theo dõi thể trạng heo, sau 7-10 ngày nếu heo phát triển tốt , đạt trọng lượng khoảng 3kg, thì tiến hành tập ăn cho heo con. Chú ý, khi ghép heo con nếu nái cắn con thì có thể tiêm thuốc an thần cho nái.
Kính chúc sức khỏe và an lành.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Hải, Khoa Chăn nuôi - Thú y . Đại học Nông lâm TP.HCM
Theo Thông tin chăn nuôi Heo