English

Câu hỏi thường gặp

Nái cai sữa bình thường, thể trạng tốt. Nhưng chậm lên giống, lên giống không rõ, phối không đậu. Xin hỏi cách khắc phục?

Trại không rõ nái tơ hay nái lứa mấy, nái lên giống - phối - đẻ lứa trước thế nào, nái có nguồn từ heo giống hay heo thịt, chậm lên giống bao nhiêu ngày, đã phối bao nhiêu lần không đậu…nên không đủ cơ sở để có chia sẻ tốt nhất cho Trại. Trước hết, sau khi Dịch tả heo châu Phi xảy ra, nhiều trại đã sử dụng heo thịt tại trại để làm heo nái sinh sản, trong trường hợp này chất lượng của heo nái sẽ không đảm bảo, để xảy ra tình trạng như của trại. Mặt khác, thông thường heo hậu bị lên giống không rõ bằng heo nái rạ và việc lên giống không rõ của nái sẽ gây khó khăn trong việc phát hiện lên giống và phối giống đúng thời điểm để có thể thụ tinh. Nếu heo nái của trại rơi vào trường hợp thứ nhất, sử dụng heo thịt để làm heo nái sinh sản thì Trại nên loại bỏ.

Nếu heo nái của Trại là heo hậu bị thì Trại xem điều chỉnh lại biện pháp phát hiện lên giống và phối giống. Cách tốt nhất để phát hiện hậu bị lên giống là sử dụng đực thì tính. Kiểm tra lại lên giống nên được thực hiện trước khi cho ăn. Một ngày hai lần cho đực đi phía trước nái định phối giống nhằm kích thích và kiểm tra lên giống. Heo hậu bị khi chịu đực cần phối lần thức nhất càng sớm càng tốt trong 12 tiếng đầu  và 12 tiếng sau phối tiếp lần thứ 2 . Trong trường hợp 1 ngày kiểm tra 2 lần , nếu buổi sáng heo lên giống , buổi chiều phối một lần vào buổi sáng ngày hôm sau phối lần 2. Nếu buổi chiều heo lên giống thì sáng hôm sau phối lần 1 vào chiều hôm sau phối lần 2 . Khi phối sử dụng cây phối sau và chỉ sử dụng cây phối một lần. Sau khi phối, trong vòng 12 tiếng nên chuyển tới trại mang thai. Ngoài ra, cần đảm bảo khu nhốt nái phải đủ sáng trong ít nhất 14-16 tiếng/ngày. 

Heo nái cai sữa sau hai tháng không lên giống lại, lên giống lại 3 lần liên tục, hậu bị qua 200 ngày không lên giống nên loại thải. 
Kính chúc sức khỏe và an lành. 
 
PGS.TS Nguyễn Ngọc Hải, Khoa Chăn nuôi - Thú y . Đại học Nông lâm TP.HCM 
Theo Thông tin chăn nuôi Heo
Heo nái nhà tôi nặng khoảng 150kg nhưng hiện nay đang có những biểu hiện bất thường như có biểu hiện giảm ăn, giảm thân nhiệt.Ở bắp mông có một vùng có đường kính khoảng 4cm bị sưng, ấn tay vào vùng sưng thấy mềm, heo có hiện tượng liệt. Nhờ bác sỹ tư vấn
Trại không cho biết heo nái đang ở thời kỳ nào của mang thai va sinh đẻ? Vùng bị sưng ở mông có nóng, đỏ không? Ấn vào heo có bị đau không? Heo đã bị tình trạng như thế này bao lâu? Trước đó heo có bị bệnh gì không? Đã can thiệp điều trị gì chưa? … Vì vậy chúng tôi không có cơ sở để trả lời câu hỏi này. 

Chúng tôi chỉ xin chia sẻ vài gợi ý: Heo có hiện tượng liệt và giảm thân nhiệt cho thấy sức khỏe của heo đang trong tình trạng rất xấu. Trại có thể thử truyền dung dịch Glucose và can-xi cho heo, tiêm thuốc kháng viêm (ketoprofen, meloxicam, flunixin...) và vitamin nhóm B, nhất là B6 và B12 xem tình trạng heo có được cải thiện không. Nếu không có đủ dấu hiệu cải thiện, Trại nên loại heo. Trại nên nhờ thú y tại chỗ đến khám trực tiếp để đánh giá chính xác tình trạng bệnh của heo và tư vấn.
Kính chúc sức khỏe và an lành. 

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hải, Khoa Chăn nuôi - Thú y . Đại học Nông lâm TP.HCM 
Theo Thông tin chăn nuôi Heo

Heo đã cai sữa từ 9-10kg (khoảng 40% đàn) bình thường không sốt nhưng ho dai dẳng, bỏ ăn, thở khò khè nên chậm lớn. Cho hỏi phải tiêm thuốc nào?

Theo như mô tả của Trại, có thể nghi ngờ heo trại bị bệnh liên quan tới Mycoplasma Hyopneumoniae và PCV2. Nếu trại đã chích 2 vaccine phòng 2 bệnh này rồi thì càn kiểm tra lại quy trình tiêm vaccine trên nái và ở heo con, khả năng tiết sữa ở nái và quy trình cho heo con bú sữa đầu, điều kiện tiểu khí hậu chuồng trại nhất là ẩm độ và sự thông thoáng của chuồng... và khắc phục những sai sót. 

Đối với vaccine phòng bệnh M.Hyopneumoniae và vaccine PCV2 nên áp dụng quy trình tiêm cho nái và heo con . Ngoài ra bệnh hô hấp ở heo cai sữa cũng liên quán đến nhiều tác nhân khác như PRRSV, Actinobacillus pleuropneumoniae, Pasteurella, Haemonphillus parasuis, Streptococcus suis,... 

Để điều trị triệu chứng, Trại có thể sử dụng liệu trình tiêm kháng sinh kết hợp kháng viêm 3-5 ngày và bổ sung kháng sinh trong thức ăn hoặc nước uống trong vòng 2 tuần, nghỉ 2 tuần và lặp lại một lần nữa trong 2 tuần. Trại có thể sử dụng các kháng sinh như Tulathromycin, nhóm tatracycline kết hợp florphenicol, ampicillin hoặc amoxicillin kết hợp gentamycin, hoặc ceftiofur, ceftiaxom, nhóm quinolone..,. Các loại kháng viêm có thể dùng: ketoprofen, meloxicam, prednisolone...

Lưu ý sử dụng thuốc theo khuyến cáo của hãng sản xuất. Ngoài ra, Trại cần lưu ý thực hiện tốt vệ sinh - tiêu độc, giữ chuồng khô, thoáng và mật độ nuôi không quá dày và đảm bảo đủ dinh dưỡng cho heo. Trại nên nhờ nhân viên thú y đến thăm, đánh giá trực tiếp và lấy mẫu xét nghiệm để có kết quả chuẩn đoán chính xác hơn. 

Kính chúc sức khỏe và an lành. 

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hải, Khoa Chăn nuôi - Thú y . Đại học Nông lâm TP.HCM 

Theo Thông tin chăn nuôi Heo

Xin cho biết trong chăn nuôi heo khi nào cần sử dụng vitamin C, bổ sung như thế nào?

Vitamin C cần cho các quá trình biến dưỡng, tạo chất keo cho mô liên kết, là chất chống oxi hóa, giúp tăng cường sức đề kháng của heo đối với các yếu tố stress và nhiễm trùng.

Trong điều kiện bình thường, cơ thể các loài động vật có thể tự tổng hợp được một lượng đủ vitamin C cần thiết cho cơ thể, vì thế việc bổ sung thường xuyên vitamin C cho heo là không cần thiết. Vitamin C được khuyến cáo bổ sung khi trong trại heo có các yếu tố bất lợi đối với sức khỏe đàn heo: stress do thay đổi thời tiết, tình trạng nhiễm bệnh nhiều, áp lực nhiễm bệnh cao... Liều sử dụng vitamin C có thể thay đổi từ 100 đến 200 mg cho 1 kg thức ăn tính theo vật chất khô. Không có tài liệu nói chính xác vitamin C bị phá hủy ở nhiệt độ nào. Tuy nhiên vitamin C có thể bị giảm hàm lượng theo thời gian bảo quản và nhiệt độ cao. Vitamin C dạng bột tinh không bền với nhiệt độ nên chỉ có thể sử dụng ở dạng trộn trực tiếp vào trong thức ăn dạng bột. Vitamin C có thể kết hợp với sắt có trong nước và bị mất tác dụng, vì thế cần chú ý sử dụng nước không chứa sắt khi pha vitamin C trong nước.

Chúc bạn chăn nuôi thành công.

Tại sao tôi thường phối giống cho heo không thành công?
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi và tin tưởng Anova Feed, Anova xin trả lời câu hỏi của bạn như sau:
Phối giống không thành công thường xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau:
1. Do chọn sai thời điểm phối giống.
2. Do tinh heo đực giống không đạt chuẩn:
- Do đực giống quá già, khai thác quá độ, pha chế bảo quản tinh không đúng cách…
3. Do heo nái:
- Nái bị bệnh do không tiêm vắc xin dịch tả, tai xanh và thai gỗ... cho nái.
- Nái vận động nhiều.


Chúc bạn thành công cùng Anova Feed!

Tại sao việc đầu tiên khi xử lý bệnh Gumboro là không sử dụng kháng sinh?
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi và tin tưởng Anova Feed, Anova xin trả lời câu hỏi của bạn như sau:

- Gumboro là bệnh do virus gây ra nên không thể dùng kháng sinh để điều trị.

- Gumboro là bệnh do virus gây ra nên không thể dùng kháng sinh để điều trị.- Gumboro là bệnh do virus gây ra nên không thể dùng kháng sinh để điều trị.

- Bệnh này gây viêm thận nặng nên nếu dùng kháng sinh sẽ làm gà chết nhanh và nhiều hơn do kháng sinh làm thận bị viêm nặng hơn.

- Do đó, bạn cần phát hiện bệnh càng sớm càng tốt và chẩn đoán chính xác bệnh Gumboro vì đây là bệnh do virus gây ra nên không có thuốc đặc trị.

- Bạn nên sử dụng các biện pháp bổ sung tích cực các chất điện giải, đường, vitamin, hạ sốt cho gà…

Chúc bạn thành công cùng Anova Feed!

Tại sao tất cả heo con đẻ ra đều bị chết lưu?
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi và tin tưởng Anova Feed, Anova xin trả lời câu hỏi của bạn như sau:

Có nhiều nguyên nhân:

1. Dựa vào số thai chết lưu và kích cỡ thai chết để chúng ta có thể xác định được nguyên nhân.

2. Các nguyên nhâ có thể tác động chết lưu:

- Do cơ học: heo bị chấn động trong qua trình mang thai, hoặc bị giật mình, bị đánh đập, bị tác động của ngoại vật tác động vào vùng bụng.

- Do Stress: Các nguyên nhân nắng nóng, độ thông thoáng khí, thiếu nước,...

- Do dinh dưỡng: do khẩu phần không  đảm bảo cân đối dinh dưỡng, độc tố nấm mốc,...

- Do bệnh: Các bệnh có thể làm chết lưu thai: Tai xanh, Giả dại, Parvo, Cúm heo, Circo, .....

- Do chất lượng con giống: Nái già, nguồn nái lấy từ heo thịt, đồng huyết,...

=> Do đó phải có đầy đủ số liệu các nguyên nhân trên thì sẽ xác định chính xác được vấn đề.

Chúc bạn thành công cùng Anova Feed!

Tại sao nái đẻ xong lại quay lại cắn con?
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi và tin tưởng Anova Feed, Anova xin trả lời câu hỏi của bạn như sau:

- Hiện tượng lợn mẹ cắn con, không cho con bú do nhiều nguyên nhân khác nhau:

+ Do nái thiếu dinh dưỡng từ khi mang thai đến khi đẻ.

+ Do nái bị hội chứng MMA.

+ Do lợn con bấm nanh bị sót khi bú cắn đầu vú làm con mẹ đau.

+ Do bị stress, kích động do điều kiện nhiệt độ, môi trường, thông thoáng chuồng.

+ Do ghép đàn không đúng kỹ thuật (như ghép những lợn con không cùng tuổi, số lợn con nhiều hơn số vú của nái…).

- Cách khắc phục:

+ Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho nái, tiêm ADE để tăng cường tiết sữa.

+ Không cho lợn ăn thịt sống hoặc ăn nhau sống sau khi sinh để tránh tình trạng lợn mẹ thèm thịt sống dẫn đến cắn heo con.

+ Thường xuyên kiểm tra chuồng nuôi để đảo bảo nhiệt độ và độ thông thoáng trong chuồng.

+ Nếu ghép heo con thì nên ghép những con cùng tuổi, hoặc có thể phun rượu để lợn mẹ không nhận biết được lợn con lạ.

+ Kiểm tra bầu vú lợn mẹ nếu thấy vú sưng đỏ, sờ có cảm giác nóng, ấn vào vú nái có phản ứng đau thì lợn mẹ đã bị viêm vú, cần có biện pháp phòng và trị bệnh phù hợp.

Chúc bạn thành công cùng Anova Feed!


Heo tôi đã chích thuốc kích đẻ nhưng heo chỉ đẻ 1 con rồi ngưng lai 1 giờ, tôi có cần tiêm thêm thuốc không?

Thời gian thông thường giữa 2 heo con liên tiếp được sinh ra khoảng 15 – 20 phút, vì thế, nếu heo chỉ đẻ 1 con rồi ngừng lại 1 giờ, bạn cần tiêm Oxytocin cho nái, liều tiêm bắp là 2cc. Lưu ý là số lần tiêm không nên vượt quá 3 lần. Khi sử dụng Oxytocin cần tuân thủ những điều sau đây: 

  • Chỉ nên tiêm Oxytocin khi nái không có biểu hiện bất thường như căng thẳng, đau đớn và sau hơn 30 phút sinh con thứ nhất chưa thấy sinh con thứ hai hoặc không thấy tống xuất màng thai.
  • Không nên tiêm Oxytocin khi heo con vẫn được sinh ra liên tiếp.
  • Không nên sử dụng Oxytocin nếu thấy nái có các triệu chứng như: căng thẳng, đau đớn nhưng lại không sinh được heo con, điều này cho thấy heo con đang bị kẹt lại trên đường sinh ra.

 

Do vậy, trước khi tiêm Oxytocin bạn cần quan sát xem nái có biểu hiện bất thường nói trên không.

Nguồn: Heo.com.vn

Nhà tôi có 2 chuồng heo thịt khoảng 60 con, vì là nuôi nhỏ chuồng cạnh nhà nên có cách nào để đảm bảo an toàn trước dịch tả Châu Phi không?
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi và tin tưởng Anova Feed, Anova xin trả lời câu hỏi của bạn như sau:

- Trong thời điểm dịch tả heo Châu Phi (ASF) bạn nên áp dụng đầy đủ biện pháp đảm bảo an toàn sinh học theo Khuyến cáo của Anova Feed.

- Trong trường hợp trại heo gần nhà bạn nên hạn chế người ra vào chuồng, phun xịt khử trùng thường xuyên

- Làm lưới chống ruồi rào hết khu trại, làm một phòng nhỏ ( có thể bằng tole) để tắm, thay quần áo ủng riêng vào khu nuôi heo

- Làm kho chứa cám riêng có lối đi riêng để đưa cám vào trại. Trước khi đưa bao cám vào trại cho sát trùng toàn bộ bề mặt bao cám, để yên tối thiểu 30 phút sau khi sát trùng mới đưa vào trại cho heo ăn

- Làm chậu nhúng thuốc sát trùng để nhúng chân khi vào chuồng nuôi

- Không mang thịt heo sống về nhà chế biến

Lưu ý: sử dụng các biện pháp phòng tránh côn trùng, sâu bọ…vào chuồng heo để trách lây lan dịch bệnh.

Chúc bạn thành công cùng Anova Feed!

Đặt câu hỏi