Kết quả chủ động giám sát cho thấy tỷ lệ lưu hành virus cúm gia cầm tương đối cao (khoảng 2% tổng số mẫu xét nghiệm).
Tiêu độc khử trùng gà chết
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo, trong các tháng cuối năm 2019, nguy cơ dịch bệnh gia tăng là rất cao vì thời tiết thay đổi, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, lây lan, lưu lượng vận chuyển gia cầm tăng mạnh, nhất là các tháng giáp Tết Nguyên đán...
Bộ đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm theo đúng quy định của Luật Thú y.
Các địa phương tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia cầm nhằm bù đắp cho lượng thịt lợn giảm do bệnh dịch tả lợn châu Phi; tạo điều kiện xây dựng các vùng, chuỗi chăn nuôi, sản xuất thịt, trứng gia cầm xuất khẩu; giảm thiểu nguy cơ truyền lây virus cúm từ động vật sang người.
Đồng thời, khẩn trương xây dựng và phê duyệt Kế hoạch phòng, chống bệnh cúm gia cầm, bảo đảm bố trí đủ nguồn lực và kinh phí tổ chức thực hiện: tiêm phòng cho đàn gia cầm trên địa bàn, chủ động lấy mẫu giám sát lưu hành mầm bệnh cúm gia cầm để cảnh báo cộng đồng và có cơ sở triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thù lao cho người tham gia phòng, chống dịch bệnh với mức không thấp hơn ngày công lao động phổ thông tại địa phương.
Các địa phương tổ chức Tháng vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu độc trước các thời điểm có nguy cơ cao phát sinh dịch cúm gia cầm tại địa phương; chủ động giám sát dịch bệnh trên đàn gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng; tập trung đẩy mạnh xây dựng các vùng, chuỗi chăn nuôi, sản xuất thịt, trứng gia cầm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm gia cầm trong nước.
Bộ nhấn mạnh, các địa phương cần có Kế hoạch tổng thể về xây dựng các vùng, chuỗi chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh được Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, đồng thời tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng về nguy cơ, tác hại dịch bệnh.
Bệnh cúm gia cầm A/H5N1 lần đầu tiên được báo cáo xuất hiện trên gia cầm tại nước ta vào cuối năm 2003. Sau đó, Việt Nam là một trong những nước công bố dịch đầu tiên và bị thiệt hại nhiều nhất trên thế giới, với khoảng trên 45 triệu gia cầm bị tiêu hủy trong giai đoạn 2003-2006.
Từ đó đến nay, trung bình mỗi năm nước ta phải tiêu hủy hàng trăm nghìn con gia cầm. Đồng thời, từ năm 2004-2014, Việt Nam đã ghi nhận 127 người mắc bệnh, trong đó có 64 (50,4%) người chết vì cúm A/H5N1.
Trong khi đó, H5N6 được xem là loại cúm gia cầm có khả năng gây bệnh thấp, từng được tìm thấy trên các loài chim hoang dã ở Đức, Thụy Điển và Mỹ. Chủng cúm này có thể gây ốm nặng cho người, nhưng chủ yếu nguy hiểm cho một vài nhóm có thể trạng yếu, như người bị hen suyễn, tiểu đường, bệnh tim, HIV/AIDS, ung thư cũng như người trên 65 tuổi, thai phụ và trẻ em dưới 5 tuổi.
Ngoài 2 loại cúm trên, trên thế giới hiện xuất hiện nhiều chủng cúm gia cầm có thể lây nhiễm sang người như H6N1, H7N3, H7N7, H7N8, H7N9, H10N8, H9N2.
Nguồn: VOH Online