Mưa bão là yếu tố bất lợi, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe gia súc, gia cầm (GSGC) là điều kiện thuận lợi gây phát sinh dịch bệnh trên đàn vật nuôi nhất là trong khi cơn bão số 4 (Bão Noru) đang đổ bộ vào đất liền với sức tàn phá lớn.
Người chăn nuôi cần thường xuyên cập nhật những bản tin dự báo thời tiết hàng ngày để có biện pháp khắc phục kịp thời, đặc biệt nên tăng cường chăm sóc cũng như tăng sức đề kháng cho vật nuôi, tăng khả năng chống chịu với những tác động bất lợi từ thời tiết cùng với sự đe dọa của các mầm bệnh nguy hiểm.
1. Công tác phòng chống dịch, bệnh.
- Chủ động trong việc đảm bảo nguồn thức ăn, nước uống của vật nuôi
Dự trữ nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng, cụ thể:
Đối với trâu, bò: Cần dự trữ thức ăn xanh, thức ăn khô: ủ chua cỏ, cỏ khô, rơm rạ khô, thân cây bắp…;
Đối với lợn, gia cầm: Dự trữ đầy đủ nguồn thức ăn tinh (thức ăn hỗn hợp) phù hợp với từng giai đoạn phát triển của GSGC
Thức ăn dự trữ cần bảo quản ở những nơi khô ráo để tránh ẩm mốc. Tuyệt đối không cho vật nuôi ăn thức ăn tinh đã bị nấm mốc.
Cung cấp đầy đủ nước sạch hàng ngày, không để con vật uống nước bẩn, nước ngập úng tại khu vực chuồng nuôi.
Đối với vật nuôi đang trong thời gian mang thai, đang nuôi con, các loại gia súc non cần bổ sung vào thức ăn các loại khoáng chất, vitamin, chất điện giải để nâng cao sức đề kháng cho con vật.
Đối với những ngày mưa bão lớn thường hay mất điện nên người chăn nuôi cần chủ động phương án thắp sáng và sưởi ấm dự phòng như máy phát điện, đèn, xăng dầu, bếp than, trấu… để sưởi ấm.
Đối với những gia đình có đàn GSGC đến tuổi xuất bán thì nên xuất bán để hạn chế khả năng rủi ro do bão lũ.
- Chủ động vệ sinh phòng bệnh:
Cần chủ động quét dọn, vệ sinh sạch sẽ trong và ngoài chuồng nuôi. Phun sát trùng trong và ngoài chuồng nuôi để diệt mầm bệnh có trong môi trường.
Đảm bảo vệ sinh thức ăn, nước uống, khử trùng nước đối với những nơi nguồn nước bị ô nhiễm, đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho vật nuôi.
Chủ động phòng bệnh bằng vắc xin theo hướng dẫn của cơ quan thú y,
Bổ sung các loại vitamin, thuốc trợ sức, trợ lực, men tiêu hóa cho GSGC khi thời tiết bất lợi
Thăm khám kịp thời cho con vật, khi phát hiện con vật không bình thường, cần tách nuôi nhốt riêng để theo dõi, kiểm tra, giữ ấm cho con vật. Nếu không thấy tiến triển tốt cần báo ngay cho cán bộ thú y để có biện pháp phòng trị bệnh tích cực.
2. Sau mưa bão lũ
- Thức ăn nước uống
Sau lũ lụt, nguồn thức ăn, nước uống cho GSGC có thể bị lũ cuốn, hư hỏng, đồng cỏ bị ô nhiễm do mầm bệnh từ nơi khác đến, bùn đất nổi lên bám vào cỏ cây, sức khỏe của đàn vật nuôi giảm sút. Do vậy, vật nuôi cần được chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo, không bị bỏ đói, không cho ăn những loại thức ăn bị mốc, kém chất lượng.
Đối với gia súc già yếu và gia súc non cần có chế độ chăm sóc đặc biệt như tăng cường các loại thức ăn bổ sung và các loại thức ăn giàu dinh dưỡng khác nhằm tăng cường quá trình hồi phục.
- Vệ sinh môi trường
Khi nước rút phải thực hiện vệ sinh, khử trùng bằng vôi bột, hóa chất và tiêu độc khu vực chăn nuôi trước khi đưa vật nuôi trở lại chuồng nuôi.
Chính quyền và các cơ quan chuyên môn các cấp tổ chức tổng vệ sinh, thu gom xác động vật chết để xử lý, sát trùng, tiêu độc vùng chăn nuôi bị lũ, ngập để tổng tẩy uế môi trường, tiêu diệt các loại mầm bệnh.
𝑁𝑔𝑢𝑜̂̀𝑛 : 𝐴𝑛𝑜𝑣𝑎 𝐹𝑒𝑒𝑑 𝑡𝑜̂̉𝑛𝑔 ℎ𝑜̛̣𝑝