Thời gian gần đây, liên tiếp nhiều ổ dịch tả lợn châu Phi mới được phát hiện tại các tỉnh khu vực phía Nam như: Đồng Nai, Bình Phước, Hậu Giang… đã tạo ra tâm lý hoang mang cho người chăn nuôi cũng như người tiêu dùng cả nước. Tuy nhiên, việc không hiểu rõ cơ chế gây bệnh, đề phòng quá mức dẫn đến loại bỏ hoàn toàn thịt lợn trong bữa ăn gia đình đang khiến ngành chăn nuôi ảnh hưởng nặng nề.
Trước những hoang mang, lo lắng đó của người tiêu dùng, Phó giáo sư - Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định: “Dịch tả lợn có tác nhân gây bệnh là virus, khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. Do đó dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người. Trường hợp phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả lợn sang người.”
Đun/ nấu chín thịt lợn ở 90 – 100 0C để đảm bảo sức khỏe gia đình bạn
Theo kết quả nghiên cứu, vi-rút tả lợn châu Phi có đặc điểm là sống được rất lâu ở môi trường bình thường nhưng chịu nhiệt kém:
- Tồn tại từ 3- 6 tháng: trong tiết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt và các sản phẩm từ thịt chưa nấu chín.
- Tồn tại 70 ngày trong môi trường máu khô
- Tồn tại 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 50 độ C
- Tồn tại 20 phút trong nhiệt độ 60 độ C
- Tồn tại 2 phút trong nhiệt độ 90 độ C
Và bị tiêu diệt hoàn toàn dưới 1 phút khi đun sôi ở nhiệt độ 100 độ C.
Do đó, người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và nên đun/nấu chín thức ăn để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Tăng cường các biện pháp an toàn sinh học là biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa dịch tả lợn châu Phi.
Tình hình chăn nuôi của nước ta bị ảnh hưởng nặng nề trong suốt thời gian qua do tình hình dịch bệnh, giá cả thị trường biến động, đã gây ra rất nhiều khó khăn cho người chăn nuôi khắp cả nước. Do đó, rất cần sự thấu hiểu, chung tay và sẻ chia từ cộng đồng để giúp người chăn nuôi nước nhà vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Phan Sang