English

Hướng dẫn quản lý phòng dịch tại trang trại

Khoảng 1, 2 năm gần đây ngành chăn nuôi của Việt Nam bị thiệt hại nặng nề do những dịch bệnh gây ra như nở mồm, long móng, dịch lợn tai xanh và đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi. Với những dịch bệnh diễn ra liên tục và mức độ lây lan lớn như vậy đòi hỏi mỗi trang trai cần cung cấp cho mình những kiến thức để quản lý phòng dịch tại trang trại hiệu quả giúp trang trại tránh xa dịch bệnh.

Để hạn chế dịch bệnh ta cần phòng dịch thật tốt. Trong đó việc quản lý phòng dịch trang trại là yếu tố quan trọng hàng đầu. Dưới đây là các biện pháp an toàn sinh học phòng ngừa dịch tả heo Châu Phi ASF để các bạn tham khảo.


 

1. Thiết lập khu vực vô trùng, cận vô trùng, ô nhiễm.

- Khu vực vô trùng: Đây là khu vực bên trong trang trại, được bao quanh bởi hàng rào, tường rào mà người bên ngoài, gia súc, sinh vật bên ngoài không tiếp cận được. Nhân viên khu vực này có lối đi riêng, tách biệt so với khu vực khác.

- Khu vực cận vô trùng: Đây là khu vực hạn chế tiếp xúc với người bên ngoài, dụng cụ bên ngoài (như xe chở cám)... Khu vực này nằm giữa cổng chính và khu vực bên trọng trại. Các văn phòng trại, khu vực sát trùng nằm ở khu vực này.

- Khu vực ô nhiễm: là khu vực ở bên ngoài cổng chính của trang trại hay khu vực trước khi tiếp xúc với khu vực cận vô trùng hay bãi gửi xe...

Trong đó bạn cần lưu ý đến quản lý phòng dịch tại trang trại trong các khâu. Cụ thể:

Cửa chính: Trang trại phải có các thiết bị như cổng ra vào để ngăn chặn xâm nhập của người và xe bên ngoài, đồng thời phải khóa hoặc khép kín con đường khác có thể ra vào trại ngoài đường cổng chính.

Thiết bị sát trùng: Phải có thiết bị tự động phun thuốc sát trùng để sát trùng xe vào (loại sát trùng dạng nhà xe, đường hầm).  Ngoài ra cần có các thiết bị vệ sinh sát trùng ủng, bánh xe của người ra vào. Có thiết bị phun xịt khử trùng áo người ra vào. Có các thiết bị sát trùng chân ở cổng mỗi trại.

Hàng rào: Xung quanh trại phải có hàng rào để xe và người ngoài không tự ý vào trại. Nhân viên mặc đồng phục trại không được đi ra phía bên ngoài trại, nếu đã mặc đồng phục trại đi ra ngoài thì không thể quay ngược trở lại trại nếu chưa thực hiện đầy đủ quy trình vệ sinh - tiêu độc

Nhà để xe: Nhà để xe phải đặt bên ngoài và phải có bảng thông báo khu đậu xe.

Bảng hướng dẫn: Nội dung bảng hướng dẫn ở cổng trang trại thông báo trình tự vào trại, các quy tắc phải tuân thủ, số điện thoại hướng dẫn….

Thiết bị tắm rửa: Trước khi xuất trại phải tắm rửa. Nhà tắm được thiết kế ở khu vực đường dẫn từ khu cận vô trùng tới khu vô trùng, có hệ thống nước nóng (nếu trại không có nhà tắm thì phải thay đồ phòng dịch, ủng và đi cùng với nhân viên trại). Phòng tắm phải có tủ bảo quản đồ cho người ngoài. Sau khi tắm, người bên ngoài phải mặc áo của trại.

Các vật dụng cá nhân như nhẫn, đồng hồ, hộp quẹt… phải bỏ ở lại tủ đồ cá nhân.

Kho vật phẩm, dụng cụ: Kho cần được lắp đèn cực tím nằm ở khu vực cận vô trùng bên cạnh cổng ra vào. Các vật dụng, thiết bị, thuốc… sau thời gian sát trùng theo quy định mới được chuyển vào khu vực vô trùng.

Thời gian sát trùng ít nhất khoảng 24 tiếng. Trường hợp trại cần gấp, cần phun xịt sát trùng rồi mới cho vào.

Khu bán heo: Nên thiết kế khu vực này bên ngoài trại vì xe chở heo là yếu tố có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao nhất. Xung quanh khu vực lên xe cần sát trùng bằng vôi. Cần sát trùng trước và sau khi lùa heo ra.

Trại có chuông, còi để tài xế xe chở heo đến có thể thông báo cho bên trong trại. Khi vào phải tắm rửa, thay đồ và ủng. Cần ghi chép biển số xe và bắt tài xế ký tên.

Nhân viên trại không vượt qua khu vực lên xe, không cho tài xế xuống trại. Cần có quy định phân chia ranh giới khu vực mà mỗi bộ phận không thể vượt qua. Sau mỗi lần xuất heo phải sát trùng kỹ khu vực này.

Lưới ngăn: Có thể dùng bạt hoặc nếu là trại hở nên dùng lưới ngăn. Lưới ngăn có thể giúp ngăn chim bay vào trại.

2. Quản lý phòng dịch heo nhập:

Cần có các biện pháp cách ly phòng dịch heo mới nhập. Thiết kế trại cách ly riêng, tuân thủ đủ thời gian cách ly.

Bố trí nhân viên riêng chuyên phụ trách trại cách ly (trường hợp không có trại cách ly thì sử dụng chuồng cách ly trong trại hậu bị). Thông thường chuồng cách ly nằm cuối trại và có các vách ngăn với các chuồng khác.

Nên mua heo hậu bị tại trại heo giống có chất lượng cao, an toàn với dịch bệnh.

Cần có kế hoạch nhập hậu bị trước, tùy thuộc vào quy mô trại, tỷ lệ thay đàn.

Tối thiểu heo mua về phải cách ly đủ 4 tuần. Trong vòng 1 tuần đầu khi nhập về cần kiểm tra các bệnh truyền nhiễm như PRRS, bệnh Giả dại, PED.

Tuân thủ tốt quy trình thuần dưỡng hậu bị. Sử dụng chung loại cám với trại giống. Khi tiêm chích cần sử dụng riêng kim tiêm.

Trang thiết bị trại cách ly cần được bố trí riêng.

3. Quản lý phòng dịch con người: 

Nhân viên trại (bao gồm cả chủ trại, gia đình, nhân viên thuê bên ngoài) phải tắm rửa, sát trùng mới vào trại.

Các dụng cụ, thiết bị mang từ bên ngoài vào phải được sát trùng ở khu vực kho chứa.

Khi từ bên ngoài vào phải vệ sinh sát trùng áo, tay, giày dép… và ghi vào sổ quản lý ra vào.

Khi đi du lịch từ nước ngoài về, hoặc có nhân viên người ngoại quốc, cần vệ sinh sát trùng kỹ kể cả các vật dụng đi kèm. Tiêu hủy, đốt các thức ăn có nguồn gốc từ động vật.

Khi nghi ngờ có dịch bệnh hoặc hiệu quả sát trùng không đảm bảo nên báo cáo cho chủ trại. Định kỳ cần huấn luyện lại phương pháp sát trùng.

Cấm tất cả nhân viên vào trại nếu trong vòng 24 giờ trước đã ghé trại khác, lò giết mổ… Nếu đã gặp người có liên quan tới chăn nuôi heo thì cần phải tắm rửa thay đồ mới xuống trại.

Nhân viên từ bên khu vô trùng ra ngoài, khi muốn quay lại khu vô trùng cần phải tắm rửa thay đồ.

Người ngoài khi muốn thăm trại phải thông báo trước ngày giờ, mục đích thăm trại. Nếu không được phép khách không được vào trại.

Hy vọng với những kiến thức quản lý phòng dịch tại trang trại HACCP nói trên sẽ giúp bạn phòng dịch tốt cho trang trai của mình.

Nguồn: Ấn phẩm chăn nuôi Heo tập 91 - 3/2017

Tin tức khác