English

[KỸ THUẬT] - PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH CHO VẬT NUÔI VÀO MÙA MƯA

Phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi vào thời điểm chuyển giao mùa (đặc biệt mùa mưa) là vấn đề cấp thiết và không thể thiếu khi dịch bệnh ASF đang hoành hành. Mưa bão không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe đàn vật nuôi mà còn ảnh hưởng đến việc dự trữ nguồn thức ăn hàng ngày. Mặc khác, vào thời điểm dịch bệnh ASF đang diễn biến phức tạp trên đàn lợn, việc thực hiện an toàn sinh học vào mùa mưa bão rất khó khăn, tạo cơ hội cho dịch bệnh bùng phát trở lại.


Do đó, trong thời điểm hiện nay việc đảm bảo an toàn sinh học cho vật nuôi là điều vô cùng cấp thiết. Người chăn nuôi cần thường xuyên cập nhật những bản tin dự báo thời tiết hàng ngày để có biện pháp khắc phục kịp thời, đặc biệt nên tăng cường chăm sóc cũng như tăng sức đề kháng cho vật nuôi, tăng khả năng chống chịu với những tác động bất lợi từ thời tiết cùng với sự đe dọa của dịch bệnh ASF.

 

1. Trước thời điểm giao mùa:

- Gia cố chuồng trại: kiểm tra, sửa chữa và chằng chống chuồng trại kiên cố. Đặc biệt là gia cố lại mái chuồng để chống bão, chú ý bạt che để tránh mưa tạt gió lùa.

- Mật độ chuồng nuôi phù hợp, thường xuyên kiểm tra nhiệt độ chuồng để giữ ấm cho vật nuôi, chú ý đặc biệt đối với gia súc, gia cầm mới nhập về.

- Khai thông cống rãnh để tránh ngập nước, kiểm tra hệ thống thoát nước thải cũng như nơi chứa để tránh tình trạng chất thải tràn ra vào mùa mưa gây ô nhiễm. Đối với những khu chuồng nuôi thấp có nguy cơ ngập lụt nên nâng nền chuồng hoặc làm hệ thống sàn chuồng để tránh nước ngập gây hại cho đàn vật nuôi.

- Đảm bảo nguồn thức ăn đầy đủ: dự trữ thức ăn xanh/khô/ủ chua rơm rạ với trâu bò; thức ăn tinh/hỗn hợp đối với lợn, gia cầm. Chú ý: thức ăn phải được đặt nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm mốc (tuyệt đối không cho vật nuôi ăn thức ăn bị nấm mốc/hư).

 

- Nguồn nước: đảm bảo đầy đủ nguồn nước sạch, mát cho vật nuôi.

- Thuốc thú y: dự trữ vitamin, men tiêu hóa… để sử dụng cho vật nuôi khi cần thiết.

- Tăng cường an toàn sinh học: áp dụng và tuân thủ khuyến cáo quy trình ATSH của Anova Feed để ngăn ngừa phát sinh mầm bệnh (đặc biệt ASF). Vui lòng nhấp vào link để tìm hiểu “10 BIỆN PHÁP AN TOÀN SINH HỌC HIỆU QUẢ” cùng Anova:https://www.anovafeed.vn/anova-feed-10-bien-phap-an-toan-sinh-hoc-hieu-qua

- Phòng bệnh: chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi trước mùa mưa bão.

          + Trâu, bò: tụ huyết trùng, lỡ mồm long móng (FMD).

          + Lợn: dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn, FMD, tai xanh…

          + Gia cầm: Niu-cát-xơn, Gumboro, cúm gia cầm.

          + Vịt, ngan: dịch tả, viêm gan do virus, cúm gia cầm, tụ huyết trùng…

2. Thời điểm trong và sau mưa, bão:

- Đặc biệt chú ý đảm bảo an toàn sinh học cho vật nuôi để tránh phát sinh và lây lan mầm bệnh (đặc biệt ASF).


- Thường xuyên kiểm tra chuồng trại, tu sửa, tránh để ẩm ướt tạo điều kiện cho mầm bệnh phát sinh. Kiểm tra nhiệt độ chuồng nuôi liên tục để giữ ấm cho vật nuôi. Thường xuyên khai thông cống rãnh tránh để nước chảy ngược vào chuồng.

- Kiểm tra máng ăn, máng uống, dụng cụ chăn nuôi tránh để ẩm mốc, thường xuyên vệ sinh toàn bộ trang thiết bị và dụng cụ trong chuồng.

- Định kỳ 1 – 2 lần/tuần phun thuốc sát trùng và rắc vôi để ngăn chặn phát sinh mầm bệnh ASF. Chú ý nên chọn những loại thuốc sát trùng có hoạt phổ rộng, tác dụng nhanh, kéo dài và ổn định.

- Cung cấp đầy đủ nước sạch mát, thức ăn cho vật nuôi trong giai đoạn mưa bão. Đặc biệt chú ý cần bổ sung thêm vitamin, khoáng, men tiêu hóa…cho gia súc, gia cầm để nâng cao đề kháng.

- Đảm bảo tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin.

- Thường xuyên kiểm tra đàn vật nuôi để phát hiện sớm những bất thường (uể oải, ủ rũ, kém ăn…), sau đó cách ly và có biện pháp xử lý kịp thời tránh lây nhiễm cho những con khỏe mạnh.

- Báo ngay cho cơ quan thú y hoặc khuyến nông địa phương nếu thấy những biểu hiện bệnh truyền nhiễm như ASF để tránh lây nhiễm và có biện pháp xử lý nhanh chóng.


- Sau mùa mưa, bão: tiến hành vệ sinh sạch sẽ, phun khử trùng, rắc vôi, thay đệm lót… tạo môi trường khô, ấm cho vật nuôi. Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, bổ sung vitamin, khoáng, men tiêu hóa để tăng đề kháng, đảm bảo vật nuôi phát triển tốt và khỏe mạnh.

 

 

Tin tức khác