English

Nuôi ếch từ… chuồng heo bỏ trống

Do xuất hiện bệnh dịch tả heo Châu Phi, một số hộ chăn nuôi heo trên địa bàn huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) đang tạm dừng chăn nuôi. Trong quá trình chờ tái đàn heo mới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Châu Phú đã tiến hành khảo sát và khuyến khích các hộ đủ điều kiện, tận dụng chuồng heo bỏ trống chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi mới.


Chị Nguyễn Dương Tường tận dụng chuồng heo bỏ trống để làm bể nuôi ếch

Gia đình chị Nguyễn Dương Tường (ấp Bình Phú, xã Bình Thủy) là một trong những hộ chăn nuôi có heo bị bệnh dịch tả heo Châu Phi, các ngành chức năng đã tiến hành tiêu hủy đàn heo và tạm dừng tái chăn nuôi heo theo quy định để ngăn bệnh dịch tả heo Châu Phi lây lan. Trong thời gian chị Tường tạm dừng chăn nuôi heo, ngành nông nghiệp huyện đã khuyến khích và hỗ trợ chị tận dụng chuồng heo bỏ trống để làm bể nuôi ếch Thái Lan. Chị Tường cho biết: “Ban đầu, tôi còn ngần ngại vì từ trước đến nay chưa từng nuôi ếch nên không có kinh nghiệm, nhưng được cán bộ nông nghiệp huyện khuyến khích và nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật, được hỗ trợ vay vốn chăn nuôi nên tôi chuyển sang nuôi ếch để không bỏ phí chuồng trại”. Chuồng heo của chị Tường được xây bằng xi măng, chia thành 5 ngăn, sau khi tiêu hủy đàn heo, chuồng heo đã được vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, nay chị tận dụng 3 ngăn để tạo thành 3 bể nuôi ếch (mỗi bể có diện tích 15m2), thả tổng số 4.000 con ếch giống, chi phí đầu tư khoảng 45 triệu đồng.

Hôm chúng tôi tham quan mô hình tận dụng chuồng heo bỏ trống để nuôi ếch của gia đình chị Tường, 3 bể ếch đã được thả nuôi khoảng 7 ngày, chị Tường bắt đầu phân loại những con ếch cùng kích cỡ ra từng bể nuôi riêng. Chị Tường chia sẻ: “Khi bắt tay vào nuôi ếch thấy cũng đơn giản, theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp huyện, sau khi thả ếch vào bể nuôi khoảng 7 – 9 ngày, thấy ếch chênh lệch kích cỡ thì tiến hành phân đàn, lựa những con ếch lớn nuôi riêng để tránh trường hợp ếch lớn ăn ếch nhỏ. Ếch thả nuôi trong mỗi bể với mật độ vừa phải, cho ăn đủ lượng và đủ chất, chia đều trong ngày, không để ếch bị đói. Thường mỗi ngày tôi cho ăn 3 lần, định kỳ bổ sung thêm vitamin C, men tiêu hóa vào thức ăn để ếch tiêu hóa tốt. Ngoài ra, cần phải thay nước trong bể mỗi ngày để đảm bảo nước sạch, ếch không bị dịch bệnh”. Anh Phan Hoàng Minh, Tổ trưởng Tổ thủy sản (Phòng NN&PTNT huyện Châu Phú) cho biết: “Chúng tôi khuyến khích và hướng dẫn chị Tường tận dụng chuồng heo bỏ trống để chuyển sang nuôi ếch, bởi hiện tại đang là thời điểm thuận lợi để thả nuôi, chi phí đầu tư không quá cao, kỹ thuật nuôi cũng không khó. Ếch nuôi khoảng 3 tháng, đạt trọng lượng từ 200 đến 250gr/con là có thể bán được, chỉ cần giá ếch ở mức 30.000 – 32.000 đồng/kg là hộ nuôi đã có lời, nếu giá tăng cao hơn thì mức lợi nhuận tăng theo”.

Ngoài hộ của chị Tường, Phòng NN&PTNT huyện Châu Phú đã cử cán bộ chuyên môn đến từng hộ chăn nuôi có chuồng heo bỏ trống để khảo sát, đối với những hộ có chuồng nuôi đủ điều kiện chuyển đổi, cán bộ nông nghiệp sẽ hướng dẫn thực hiện mô hình chăn nuôi mới phù hợp. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Châu Phú Lê Trần Minh Hiếu cho biết: “Trong thời gian các hộ chăn nuôi chưa thể tái đàn nuôi mới tại các chuồng heo đã bị bệnh dịch tả heo Châu Phi, chúng tôi khuyến khích các hộ tận dụng chuồng trại đang bỏ trống để chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi, sản xuất khác phù hợp. Các hộ thực hiện chuyển đổi sẽ được hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ nguồn cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội, với thời gian 6 tháng không lãi suất. Ngoài ra, chúng tôi còn cử cán bộ chuyên môn theo sát để hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi”.

MỸ LINH

Nguồn: Báo An Giang

Tin tức khác