English

Tái đàn sau ASF, 18 bước giúp trang trại thành công (Phần 1)

Dich tả Châu Phi đã đến Trung Quốc, thị trường lợn lớn nhất thế giới và không ngừng lan rộng ra các nước châu Á. Bây giờ, cần phải làm gì khi virus ASF đã hiện diện ở khắp nơi, đặc biệt là ở những trang trại đã trải qua dịch bệnh. Dưới đây là danh sách 9 bước đầu tiên trong 18 bước giúp người chăn nuôi kiểm soát thành công dịch bệnh và đạt được mục tiêu tái đàn sau dịch.

Chưa bao giờ trong lịch sử, dịch tả heo châu Phi lại có cơ hội lan rộng khủng khiếp như hiện nay. Trước đây, virus chỉ có thể lây lan chậm qua các quần thể lợn ở một vài nơi. Cho đến năm 2018 là một câu chuyện hoàn toàn khác. Virus ASF đã di chuyển hàng ngàn Km và lây nhiễm hàng triệu con lợn trong một khoảng thời gian rất ngắn. Ngoài ra, trang trại sau khi có sự hiện diện của virus ASF thì có nguy cơ bị tái phát là rất cao. Cách thức để kiểm soát dịch bệnh và quản lý chuồng trại sau khi bị ASF tấn công là một chủ đề không mới và được phổ biến trên rất nhiều kênh truyền thông. Ở đây, chúng tôi muốn khuyến cáo một quy trình đồng bộ và mạnh mẽ hơn để có thể khống chế mầm bệnh ASF.


Sau khi tiêu hủy, khu vực chôn lấp cần được rải vôi hoặc hóa chất bột khử trùng trên bề mặt (Ảnh: Gustavo Lopez)

Bài viết gồm 18 bước tóm tắt giúp người chăn nuôi có thể kiểm soát được sự lây lan mầm bệnh tại trang trại của mình sau khi đã bị dịch tả tấn công hoặc để ngăn chặn sự xâm nhập của virus vào các trang trại khác, là cơ sở để có thể thực hiện tái đàn sau dịch. Bài viết dựa trên kinh nghiệm kiểm soát dịch bệnh ASF tại một số cơ sở chăn nuôi lớn ở Trung Quốc. Đây là những thông tin rất hữu ích, có thể áp dụng đối trong nhiều kịch bản và trường hợp khác nhau. Tựu chung, bài viết xoay quanh mục địch trả lời 2 câu hỏi: Phải làm gì khi đối mặt với dịch ASF? Và cách thức tốt nhất để trang trại đạt được mục tiêu tái đàn sau dịch là gì?


Khu vực trữ phân, biogas: được xử lý bằng các hóa chất khử trùng dạng bột nồng độ tối thiểu 25% (Ảnh: Gustavo Lopez)

Tốc độ là chìa khóa giải quyết vấn đề

Đối với ASF, hành động nhanh là rất quan trọng. Vì vậy việc phát hiện, nhanh chóng loại bỏ nguồn lây nhiễm là mục tiêu hàng đầu để ngăn chặn sự lây lan của virus trong hệ thống trang trại. Khuyến cáo rằng, mọi hoạt động quanh vị trí phát hiện dịch bệnh trong vòng 15 ngày trước đó cần được truy xuất để kiểm tra. Đặc biệt, các hoạt động tiềm ẩn nguy cơ lây lan lớn (đàn lợn vào ra/xe tải chở hàng) với vị trí phát hiện bệnh dịch phải được kiểm tra nghiêm ngặt và được thực hiện xét nghiệm để khoanh vùng nguồn bệnh.

Xe tải ra vào trang trại cần được khử trùng

Xe tải chở hàng có hoạt động ra vào khu vực nhiễm bệnh trong thời gian gần nhất phải được rửa sạch, đưa đi khử trùng hoàn toàn và triệt để ngay lập tức. Việc khử trùng cần tiến hành trong thời gian đủ để mọi ngóc ngách trên xe tải được tiếp xúc với hóa chất khử trùng ít nhất 3h liên tục.

Khoanh vùng ảnh hưởng

Để ngăn chặn sự lây lan của virus một cách hệ thống, đặc biệt là đàm bảo an toàn cho các khu trại khác cần xác định được 3 khu vực hay phạm vi bán kính xung quanh vị trí phát hiện dịch bệnh.

  • Khu vực đầu tiên gọi là “vùng bùng phát dịch bệnh” có bán kính 1 km.
  • Khu vực thứ 2 được gọi là “khu vực kiểm soát” có bán kính 3 -5 km
  • Khu vực thứ 3 được gọi là “khu vực giám sát” có bán kính khoảng 10 km tùy thuộc vào điều kiện địa lý và mật độ nuôi.
Các hoạt động bị cấm ở khu vực kiểm soát
  • Không cho phép bất kỳ người lạ nào ra vào khu vực này, ngoại trừ những người của các cơ quan chức năng hỗ trợ chôn lấp, khử trùng, bác sỹ thú y và cư dân sống trong khu vực đó.
  • Không bán hoặc di chuyển lợn ra ngoài khu vực.
  • Không tự ý giết mổ, bán thịt ra thị trường.
  • Không bán thức ăn tồn kho từ khu vực nhiễm bệnh ra bên ngoài cho các trang trại khác sử dụng
  • Hạn chế thực hiện các hoạt động vận chuyển vào ra khu vực kiểm soát, ngoại trừ những người có chức năng hoặc vận chuyển nhu yếu phẩm cho cư dân sống trong khu vực.
Các hoạt động cần làm tại khu vực giám sát
  • Đặt các điểm kiểm dịch, khử trùng tại lối ra và vào khu vực bị ảnh hưởng và khu vực kiểm soát.
  • Khử trùng bất kể phương tiện nào ra vào khu vực giám sát bằng các hóa chất khử trùng.
  • Thay quần áo, giày ủng tại chốt kiểm dịch trước khi vào khu vực bên trong.
  • Kiểm soát các động vật đi lạc có thể vào sâu bên trong khu vực dịch bệnh.
Hành động tại khu vực bùng phát dịch
  • Loại bỏ hoàn toàn đàn lợn và chất thải của chúng bằng cách chôn lấp (đặc biệt không giết mổ, do phần lớn virus ASF nằm ở trong máu lợn bị nhiễm bệnh).
  • Chôn toàn bộ xác lợn chết và bị giết trong hố sâu 4 m.
  • Chỉ bắt đầu tiến hành chôn lấp hoặc thiêu hủy lợn bệnh khi đã chuẩn bị sẵn sàng hố chôn và công cụ hỗ trợ. Mục tiêu giảm thiểu khả năng các động vật ăn xác có thời gian tiếp cận lợn bệnh.
  • Thực hiện trước với khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất để giảm tải lượng virus trong môi trường và phòng ngừa lây lan.
  • Thiêu hủy các xác lợn chết bằng gỗ, rơm hoặc cao su.
  • Lấp hố chôn và rải vôi hoặc hóa chất khử trùng lên bề mặt.
  • Nhân viên thực hiện hỗ trợ chôn lấp cần được tắm rửa, khử trùng tại chỗ sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
  • Tiêu diệt các động vật gặm nhấm, bọ ve, ruồi muỗi tại khu vực bùng phát bệnh để ngăn chặn sự lây lan cơ học hoặc sinh học cho virus gây bệnh.


Chuồng trại cùng các vật dụng được thu gom để khử trùng (Ảnh: Gustavo Lopez)

Khử trùng đúng cách

Virus ASF là một chủng virus mang nhân DNA có vỏ bọc và có khả năng thích nghi với môi trường rất cao. Chúng ta có thể tạo ra một môi trường không thuận lợi nhất cho sự tồn tại và phát triển của nó. Để việc khử trùng chuồng nuôi sau dịch đạt tối đa hiệu quả, những điều cần lưu ý là:

  • Thực hiện theo đúng hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất thuốc khử trùng.
  • Trước khử trùng cần loại bỏ các dấu tích của chất thải hữu cơ (máu, lông, da, phân…) còn lại trong chuồng nuôi bằng các hóa chất tẩy rửa dạng kiềm (Xút).
  • Đảm bảo thời gian ngâm ủ chất khử trùng ( khuyến cáo 3h liên tục).
  • Xịt rửa chuồng thường xuyên và tận dụng ánh sáng, nhiệt độ cao từ môi trường khi có thể để ức chế sự tồn tại của virus
Các hóa chất khử trùng được chứng minh tác dụng bất hoạt virus ASF
  • NaOH
  • Natri hypochlorite.
  • Calcium hypochlorite.
  • Glutaraldehyde.
  • Citric acid.
  • Iodine monochloride.
  • Formaldehyde.
  • Hợp chất Amonium bậc 4.
  • Các hợp chất có tính oxy hóa cao như Kali peroxymonosulfate (Virkon S).
Khử trùng khu vực chuồng nuôi và vật dụng liên quan
Tất cả vật dụng dùng để giết, đốt hoặc chôn lấp lợn bệnh cần được khử trùng giống như khu vực chuồng trại. Những vật liệu khó có thể khử trùng đúng cách nên được đốt và chôn cùng xác lợn vì chúng là mối nguy hiểm tiềm tàng. Các trang trại có nhiều ô chuồng và khu nhà ở nên được khử trùng lần lượt từ trong ra ngoài, bắt đầu từ khu vực bị dịch bệnh nặng nhất

 

Các bước tiếp theo từ 10-18 sẽ được đăng tải trong bài viết ngày 21/8

Nguồn: www.pigprogress.net

Biên dịch: Anova Feed Team

Tin tức khác

Bản tin hàng tháng

XUÂN NHƯ Ý CÙNG ANOVA FEED
XUÂN NHƯ Ý CÙNG ANOVA FEED | DOWNLOAD
CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN GIÁP THÌN
CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN GIÁP THÌN | DOWNLOAD
SUPER A PRO - SẢN PHẨM TẬP ĂN CHẤT LƯỢNG CHO HEO CON
SUPER A PRO - SẢN PHẨM TẬP ĂN CHẤT LƯỢNG CHO HEO CON | DOWNLOAD
CÁM ĐẦY KHO - XUÂN ẤM NO
CÁM ĐẦY KHO - XUÂN ẤM NO | DOWNLOAD
KHÁCH HÀNG NÓI VỀ ANOVA FEED
KHÁCH HÀNG NÓI VỀ ANOVA FEED | DOWNLOAD