Bộ Tài chính vừa có các văn bản gửi sáu địa phương là Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Quảng Ninh tạm cấp tổng kinh phí 1.270 tỷ đồng hỗ trợ tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.
1.270 tỷ đồng này được trích từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2019, cấp cho sáu địa phương, gồm Hải Dương 280 tỷ đồng, Hưng Yên 180 tỷ đồng, Thái Bình 335 tỷ đồng, Hà Nam 175 tỷ đồng, Nam Định 225 tỷ đồng, Quảng Ninh 75 tỷ đồng.
Công tác tiêu hủy tại huyện Đức Trọng (Lâm Đồng). (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)
Bộ Tài chính đề nghị các địa phương này chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện rút dự toán số kinh phí hỗ trợ nêu trên tại Kho bạc Nhà nước theo quy định tại Thông tư số 119/2018/TT-BTC ngày 5/12/2018 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.
Đồng thời, các địa phương phải quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí tạm cấp nêu trên, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn. Chủ động sử dụng nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ và các nguồn lực của địa phương, nguồn lực huy động hợp pháp khác để kịp thời xử lý dứt điểm các ổ dịch bệnh, không để phát sinh các ổ dịch mới cũng như kịp thời khôi phục sản xuất.
Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương được tạm cấp kinh phí hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thực hiện việc hỗ trợ trực tiếp đến các hộ sản xuất bị thiệt hại bảo đảm công khai, minh bạch, đúng chính sách và mức hỗ trợ theo quy định của cấp có thẩm quyền. Kết thúc đợt dịch bệnh hoặc cuối năm, căn cứ kết quả thực chi của địa phương, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Trước đó, trên cơ sở tờ trình đề xuất của Bộ Tài chính, ngày 12/6, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 716/QĐ-TTg tạm cấp 1.270 tỷ đồng cho sáu địa phương trên.
Đây là sáu địa phương dịch bệnh xảy ra ở phạm vi rộng (toàn bộ địa bàn các huyện của tỉnh), cơ chế lây lan nhanh, phức tạp, kéo dài, cường độ lây lan rất nhanh, tỷ lệ lợn chết khi đã nhiễm bệnh cao, trong khi chưa có vắcxin phòng bệnh cũng như thuốc điều trị bệnh. Do đó, nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ tiêu hủy lợn nhiễm bệnh trên địa bàn các tỉnh này là rất lớn, vượt quá dự phòng của ngân sách địa phương.
Tính đến ngày 25/6, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 60 tỉnh, thành phố trên cả nước với trên 2,8 triệu con lợn bị tiêu hủy./.
Nguồn: TTXVN